Những con rối chính trị ngông cuồng và ảo vọng

Có lẽ hàng chục triệu người dân Việt Nam và cả người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam, những người ở nước ngoài quan tâm đến những diễn biến gần đây ở Việt Nam hẳn đã thấy rõ chân tướng của những con cờ "tự do", "dân chủ" do các thế lực cơ hội chính trị ở nước ngoài dựng lên để chống nhà nước Việt Nam, lung lạc niềm tin, ý chí, khát vọng hoà bình xây dựng của người dân Việt Nam, sau khi cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an công bố những tài liệu điều tra được và sự khai nhận của các nhân vật bị can vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Nhưng cũng còn nhiều người, nhất là những bạn trẻ chưa có điều kiện tiếp cận đẩy đủ thông tin này. Để giúp những bạn quan tâm, đã đọc và comment trong bài viết "Suy nghĩ nhân ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam"", HĐ xin lưu lại đoạn video clip do nhandan.online đăng tải. Hãy bấm vào đây rồi cùng lắng nghe và suy ngẫm.

P/s: Đầu tề chủ nhà mượn của báo Nhân Dân.

Tôi

Bạn ơi nếu đến tìm tôi
Hãy nhìn ngọn cỏ xanh dưới dấu hài của bạn
Hãy nhìn áng mây chiều bảng lảng
Và xa xa thấp thoáng ánh sao khuya
Hãy nhìn giọt sương trên chiếc lá non kia
Chỉ chốc lát thôi sẽ hoá thân vào trời đất
Hãy lắng nghe tiếng lạo xạo dưới chân bạn bước
Bởi những viên sỏi nhỏ bị bạn làm đau

Duyên số định rồi ta đã gắn bó nhau
Bạn không đến tôi sẽ tìm đến bạn
Tên tôi bạn gặp hoài năm tháng
Có ngọt có chua có đắng có dài ngắn nhỏ to
Tôi ư? bạn chớ có lo
Tôi hiền như đất
Tôi lành như mật
Chỉ con người bất cẩn bất tuân

Bạn đến tìm tôi
Xin nhè nhẹ bước chân
Sỏi cũng biết đau và ngọn cỏ non kia yếu lắm
Tôi sẽ vô cùng yêu mến
Khi bạn đến bên tôi

Suy nghĩ nhân “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”

Có lẽ do chiến tranh đã lùi xa hơn 34 năm mà cuộc sống hiện đại quá nhiều tiện nghi và áp lực cạnh tranh bởi nền kinh tế thị trường nên khá nhiều người, nhất là các bạn trẻ ít quan tâm đến nỗi đau này của dân tộc mình.
Nhiều người chỉ dán mắt vào cuộc sống phồn thực của nước Mỹ, Anh, Nhật, Pháp… mà thán phục, ca tụng và quay trở lại chê bai, dè bỉu sự nghèo nàn, lạc hậu, kém cõi của cha anh, của đồng bào, của quê hương. Họ đã quên, hoặc cố tình quên, hoặc không muốn nhìn nhận một sự thật đau lòng bởi cuộc chiến tranh xâm lược mà đế quốc Mỹ gây ra trên mảnh đất cong cong hình chữ “S” cách xa Hợp chủng quốc Hoa Kỳ khoảng nửa vòng trái đất này. Không chỉ làm hàng chục triệu người Việt Nam thiệt mạng, hàng triệu hecta rừng, làng mạc, nhà cửa dân lành Việt Nam bị thiêu trụi, đổ nát trong chiến tranh mà còn để lại những di chứng tật nguyền cho nhiều thế hệ nhiều triệu người sau chiến tranh, cho đến tận hôm nay.
Đất nước Việt Nam đụng chạm gì tới nước Mỹ và đồng minh của họ mà họ dúi súng cho hơn nửa triệu thanh niên Mỹ, biến những thanh niên này thành kẻ sát nhân mất hết nhân tính rồi đưa sang tàn phá, bắn giết, hãm hiếp những người dân vô tội Việt Nam? Thậm chí, họ còn dự định đem bom nguyên tử để hủy diệt dân tộc nhỏ bé nhưng “cứng đầu” này. Có bao nhiêu trong chúng ta biết rằng, cách nay 48 năm, ngày 10-8-1961, đế quốc Mỹ đã bắt đầu một cuộc chiến tranh hóa học ở miền Nam Việt Nam. Theo các nhà khoa học Mỹ, trong vòng 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, với 61% là chất da cam, chứa khoảng 366 kg đi-ô-xin (là loại hóa chất độc hại nhất mà loài người đã tìm ra được cho đến nay) rải xuống gần 25% diện tích toàn miền Nam, làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc, trong đó có khoảng ba triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là thế hệ con, cháu.
Ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có ông Đỗ Đức Địu, một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu chống Mỹ và bị nhiễm chất độc da cam tại A Lưới, Thừa Thiên – Huế. Sau năm 1975, ông về quê lập gia đình và có lần lượt 15 người con thì 12 người đã chết sau khi sinh và ba người con còn lại cũng đang trong tình trạng sống không bằng chết. Còn hàng triệu gia đình người Việt nam có hòan cảnh như ông. Họ đang sống trong nghèo đói, đau đớn thể xác lẫn tinh thần.
Ông Mai Giang Vũ, nguyên trung sĩ thuộc phi đoàn 221 trực thăng, Sư đoàn 3 không quân quân đội Sài Gòn cũ đã từng tham gia rải chất độc từ trên máy bay trực thăng xuống các khu rừng ở Phước Long, Tây Ninh trong những năm 1970-1971, hiện ở 195/4A, đường Bình Thới, phường 9, quận 11,TP. Hồ Chí Minh, có 3 người con đều phải chịu đau đớn thể xác từ tuổi 15 và chết ở tuổi 20. Ông đau đớn nhận ra mình đã bị lừa dối và cũng là nạn nhân của cuộc chiến tội ác này.
Thông cảm, chia sẻ nỗi đau của những nạn nhân da cam, những gia đình thương binh liệt sĩ cũng như những nạn nhân chiến tranh khác không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, của các hội, đoàn thể mà còn là bổn phận đạo lý, lương tâm của cả cộng đồng may mắn hơn. Cần phải làm một việc gì đó thiết thực để giúp đỡ những nạn nhân đồng bào bớt đi nỗi đau và gánh nặng cuộc sống. Ít ra là hãy góp tiếng nói tuyên truyền cho thế giới biết nỗi đau đang hiện hữu do đế quốc Mỹ và đồng minh của họ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trước đây và hãy cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đòi tòa án lương tâm, tòa án hiến pháp Mỹ thực thi công lý, buộc các công ty hóa chất Mỹ sản xuất ra chất độc này phải chụi trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, như họ đã từng làm cho các quân nhân Mỹ. Nên mạnh dạn vạch mặt chỉ tên những kẻ cơ hội thừa hưởng thành quả xương máu của đồng đội, đồng chí và đồng bào mà ỷ chức cậy quyền, tham ô, móc ngoặc, lũng đoạn xã hội, vét đầy túi tham từ đồng tiền bát gạo của nhân dân. Nên cố gắng học hành, bồi bổ kiến thức khoa học công nghệ, phát huy tài năng làm giàu cho gia đình, cho xã hội và giúp đỡ tinh thần, vật chất cho những đồng bào kém may mắn hơn mình hơn là mai danh ẩn tích lên mạng chửi bới chế độ hiện thời và bội nhọ, đả kích chung chung lãnh đạo đất nước, to mồm đòi tự do, dân chủ kiểu Mỹ, vốn không thích hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam. Nên như thế, bạn tôi ơi!Nguyễn Đức (nạn nhân chất độc da cam) cùng mọi người tham gia cuộc đi bộ sáng 9-8 – Ảnh: THANH ĐẠM
Bác sĩ Phương Tần và bé Minh Bằng (4 tuổi, bìa trái) cho em Minh Hòa (1 tuổi) uống sữa – Ảnh: My Lăng (theo TNO) Nên như thế, bạn tôi ơi!

Lập hiến hướng đến pháp quyền ở Việt Nam

Sáng nay, giở trang TNO, bắt gặp bài viết về pháp luật, có tựa đề "Lập hiến hướng đến pháp quyền ở Việt Nam" của Nguyễn Minh Tuấn (CHLB Đức) đăng trên Tia sáng mà TNO đăng lại. Thấy thú vị, nhưng chưa có thời gian đọc hết nên lưu lại trên trang nhà, lúc rảnh đọc lại.
Gần đây chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có đặt ra vấn đề sửa đổi Hiến pháp như một nhu cầu cấp bách. Tôi cho rằng, nhu cầu này là có thật, nhưng thay vì sửa đổi nhỏ lẻ, tại sao chúng ta không tính đến một chiến lược lâu dài hơn là hoàn thiện một Hiến pháp tích hợp được cả những điểm tiến bộ của các bản Hiến pháp trước đó của dân tộc, vừa phải tích hợp được những tinh hoa của nền lập hiến các nước trên thế giới…

Bản Hiến pháp thành văn đầu tiên trong lịch sử nhân loại và cũng là bản Hiến pháp tồn tại lâu nhất cho đến nay trên thế giới, đấy chính là bản Hiến pháp của Mỹ năm 1787. Xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng, nhiều vấn đề có thể hôm nay đúng, nhưng ngày mai chưa chắc vẫn còn đúng, vậy đâu là những giá trị trường tồn có khả năng thích ứng với đổi thay của xã hội trong bản Hiến pháp này?

Thành công của Hiến pháp Mỹ đó là bản Hiến pháp này đã tạo ra đồng thời hai cơ chế giám sát hữu hiệu: sự giám sát bên trong, tức là cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực (check and balance) giữa các cơ quan Nhà nước, và sự giám sát bên ngoài chính là xã hội dân sự (civil society) với đầy đủ những quyền năng được Hiến pháp bảo vệ. Thiết chế này có khả năng phản biện các chính sách, buộc Nhà nước phải tuân thủ Hiến pháp, cùng thúc đẩy xã hội phát triển. (GS. TS. John Attanasio).

Cách đây không lâu tôi có dịp trao đổi với GS.TS. John Attanasio, Chủ nhiệm Khoa Luật, đến từ Đại học Dedmann của Hoa Kỳ về Hiến pháp so sánh. Chúng tôi đã cùng chia sẻ nhiều vấn đề về Hiến pháp.

Ông đã đặt một câu hỏi mà tôi cho rằng rất thú vị đó là: “Bạn thử nghĩ xem Hiến pháp Mỹ qui định cho đối tượng nào?”

Tôi biết ông đặt câu hỏi như vậy là có ý muốn chia sẻ và so sánh một điều gì đó nên tôi trả lời để lắng nghe ông giải thích: “Phải chăng cho hai chủ thể là công dân và Nhà nước?”

Ông chia sẻ: Lẽ thường là như vậy, nhưng những nhà lập hiến đất nước tôi khi xây dựng Hiến pháp cho rằng: Hiến pháp chỉ nên qui định hành vi của Nhà nước (ông nhấn mạnh). Vì mục đích của Hiến pháp là giới hạn quyền lực của Nhà nước, tạo lập và bảo vệ xã hội dân sự (Civil Society) một cách hợp pháp, thúc đẩy tiến bộ xã hội, ngăn chặn hành vi lạm quyền từ phía Nhà nước. Xã hội dân sự không thể tồn tại hợp pháp và phát triển được nếu quyền lực Nhà nước không bị giới hạn.

Tôi thắc mắc: Vậy Tuyên ngôn nhân quyền (The Bill of Rights) của Mỹ qui định về các quyền công dân thì qui định cho đối tượng nào?

Ông cũng trả lời ngay: Ðó cũng là cho Nhà nước. Thực chất tuyên ngôn nhân quyền chính là những qui định về trách nhiệm của Nhà nước phải đảm bảo các quyền công dân. Tuyên ngôn nhân quyền chính là kết quả sự đấu tranh của nhân dân buộc chính quyền phải thừa nhận và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Vì một khi qui định các quyền công dân mà Nhà nước không cam kết bảo vệ và tôn trọng thì những quyền đó cũng không có ý nghĩa gì.

Thấy thú vị, tôi tiếp tục đặt câu hỏi: Vậy ông đánh giá cao điều gì nhất ở Hiến pháp Mỹ?

Ông chia sẻ: Thành công của Hiến pháp Mỹ đó là bản Hiến pháp này đã tạo ra đồng thời hai cơ chế giám sát hữu hiệu, đó là sự giám sát bên trong, tức là cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực (check and balance) giữa các cơ quan Nhà nước, và sự giám sát bên ngoài chính là xã hội dân sự (civil society) với đầy đủ những quyền năng được Hiến pháp bảo vệ. Thiết chế này có khả năng phản biện các chính sách, buộc Nhà nước phải tuân thủ Hiến pháp, cùng thúc đẩy xã hội phát triển.

Đây chỉ là quan điểm của một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về Hiến pháp của Mỹ, nhưng những quan điểm của ông rất đáng phải suy ngẫm.

Hiến pháp bao giờ cũng là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất ở mỗi một quốc gia, khi ra đời về nguyên lý để đảm bảo tính pháp quyền, nó còn được đặt cao hơn cả Nhà nước, để nhằm giới hạn quyền lực của Nhà nước. Tất cả việc tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải được đặt trên cơ sở Hiến pháp. Và cũng chỉ bằng một bản Hiến pháp mà quyền lực Nhà nước bị giới hạn thực sự, thì khi đó một xã hội dân sự hợp pháp, phi chính trị, phi lợi nhuận, mới có cơ sở để hình thành. Chính xã hội dân sự đó mới là động lực phản biện đẩy Nhà nước và xã hội cùng tiến bộ.

Điều làm nên giá trị trường tồn của Hiến pháp không chỉ là những gì được qui định trong Hiến pháp, vì thực tế không có một bản Hiến pháp nào có thể qui định được cụ thể hết các điều trong đó, mà quan trọng hơn là cơ chế giải thích Hiến pháp và bảo vệ Hiến pháp. Cả hai cơ chế này đều phải được thực hiện bởi một thiết chế tài phán Hiến pháp độc lập, chính đó mới là công cụ hữu hiệu hiện thực hóa những điều đã qui định trong Hiến pháp.

Chừng nào các thuật ngữ trong Hiến pháp còn chưa được giải thích bởi thiết chế độc lập này, thì chừng đó các nhà chính trị sẽ giải thích theo cách có lợi cho họ, các nhà khoa học sẽ còn tranh luận không có điểm dừng, những văn bản qui phạm pháp luật vi hiến sẽ không có cơ sở rõ ràng để hủy bỏ, xung đột thẩm quyền giữa các cơ quan vẫn cứ diễn ra và quan trọng hơn là quyền lợi của người dân sẽ không được bảo vệ.

Gần đây Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có đặt ra vấn đề sửa đổi Hiến pháp như một nhu cầu cấp bách [1]. Tôi cho rằng, nhu cầu này là có thật, nhưng thay vì sửa đổi nhỏ lẻ, tại sao chúng ta không tính đến một chiến lược lâu dài hơn là hoàn thiện một cách cơ bản Hiến pháp, để những thay đổi đó có khả năng giải quyết được căn bản nhiều vấn đề của đất nước – một bản Hiến pháp mà chúng ta có thể tin tưởng về tính lâu dài, tính ổn định, và tính pháp quyền của nó?

Nếu được xây dựng, Hiến pháp trong tương lai pháp luật Việt Nam sẽ phải là Hiến pháp tích hợp được cả những điểm tiến bộ của các bản Hiến pháp trước đó của dân tộc, vừa phải tích hợp được những tinh hoa của nền lập hiến các nước trên thế giới.

Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946
Từ bản Hiến pháp đầu tiên ở Việt Nam đến nay, thì Hiến pháp năm 1946 [2] vẫn được đánh giá là có nhiều qui định tiến bộ, đặc biệt là trên phương diện tổ chức quyền lực Nhà nước hơn cả. Nhiều sửa đổi của pháp luật hiện hành cũng đang theo hướng trở về với những giá trị của Hiến pháp 1946.

Tuy nhiên nhiều tác giả khi nhận xét về bản Hiến pháp này đã quá nhấn mạnh, thậm chí tuyệt đối hóa, chỉ nhìn thấy những điểm tích cực của nó, tôi cho rằng nếu chỉ đánh giá như vậy là có phần phiến diện, lý thuyết. Vì xét trên phương diện thực tế, thì bản Hiến pháp này chưa được hiện thực hóa đầy đủ một ngày nào, lại càng khó khăn hơn khi thực tiễn lúc đó là trong hoàn cảnh chiến tranh, dân số chúng ta lúc đó chưa đông như hiện nay, và chưa kể đến tính chất quan hệ kinh tế, quốc tế lúc đó cũng khác rất nhiều so với thời điểm hiện nay.

Nhìn rộng ra thế giới, đành rằng hiến pháp nào cũng chỉ có thể qui định những vấn đề chung nhất, cơ bản nhất của một quốc gia, nhưng khi áp dụng nó cho những trường hợp cụ thể thì lại cần đến nhu cầu phải cụ thể hoá chúng. Khắc phục những mặt còn hạn chế của Hiến pháp hiện hành, nên xây dựng một cơ chế tài phán Hiến pháp độc lập vừa có chức năng giải thích Hiến pháp, vừa có chức năng xét xử những hành vi vi phạm Hiến pháp [3], xây dựng cơ chế giám sát bên trong giữa các cơ quan Nhà nước, bên ngoài với xã hội dân sự phù hợp.

Chừng nào Hiến pháp chưa được đặt lên trên Nhà nước, nhằm giới hạn quyền lực Nhà nước như đúng tinh thần của Hiến pháp năm 1946, chừng nào chưa sẵn sàng cho một cơ chế giám sát Hiến pháp, cơ chế giải thích Hiến pháp và tài phán Hiến pháp độc lập, thì chừng đó theo thiển ý của tôi chưa nên đặt ra vấn đề sửa đổi Hiến pháp.

NGUYỄN MINH TUẤN
(Cộng hòa liên bang Đức)
Theo Tia Sáng

Chú thích:

[1] http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=250285

[2] Hiến pháp năm 1946 gồm có 7 chương, 70 điều, là một bản Hiến pháp có nhiều giá trị tiến bộ ở thời điểm lúc đó. Do hoàn cảnh chiến tranh, bản Hiến pháp này chưa được Chủ tịch nước kí lệnh công bố.

[3] Liên hệ với Hiến pháp Việt Nam hiện hành, tương ứng với nhiều quyền năng cơ bản thường kèm theo về quy định của pháp luật” (ví dụ: Điều 57. Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật; Điều 62. Công dân có quyền xây dựng nhà ở theo quy hoạch và pháp luật; Điều 68. Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật…). Cách qui định này thực chất là cách mở ra rồi lại đóng vào. Với cách qui định như thế, thì người dân không biết nội hàm đầy đủ của quyền đó là gì, và giới hạn của quyền đó đến đâu, rồi khi bị vi phạm thì bảo vệ bằng con đường nào? Vì theo qui định của pháp luật nói chung thì rất rộng, và khi đi tìm thì người dân không biết tìm cái gọi là “theo qui định của pháp luật” đó ở đâu.